LỚP THẠC SĨ QUẢN LÝ XÃ HỘI ĐỀ ÁN 165
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

LỚP THẠC SĨ QUẢN LÝ XÃ HỘI ĐỀ ÁN 165

Nơi chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm học tập và lưu giữ những kỷ niệm của học viên lớp Thạc sĩ quản lý xã hội đề án 165 (chương trình liên kết giữa trường Đại học giáo dục - Đại học quốc gia HN với trường Đại học sư phạm Đông bắc Trung quốc)
 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 NÉT ĐẸP CỦA THƯ PHÁP

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 23
Join date : 24/09/2010
Age : 57
Đến từ : Hải Dương

NÉT ĐẸP CỦA THƯ PHÁP  Empty
Bài gửiTiêu đề: NÉT ĐẸP CỦA THƯ PHÁP    NÉT ĐẸP CỦA THƯ PHÁP  I_icon_minitimeSat Oct 09, 2010 3:44 pm

NÉT ĐẸP CỦA THƯ PHÁP
Những nét dung dị của đời sống hàng ngày đã góp phần hình thành trí tuệ nhân cách của nhiều thế hệ người Việt. Trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ cha ông chúng ta đã tiếp nhận loại chữ tượng hình độc đáo và sáng tạo ra chữ Nôm làm phương tiện giao tiếp truyền bá trí thức và nâng cao dân trí tuyển trọn nhân tài góp phần xây dựng nền văn hiến của dân tộc. ở đó có biết bao con người nổi tiếng văn hay chữ tốt làm rạng danh cho sử sách và cho muôn đời sau bởi tài hoa và tư cách của họ như Mãn Giác Thiền sư, ông trạng Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát. Đó là những bậc văn nhân rất nổi tiếng, sẵn sàng đem lại niềm vui, niềm xúc động cho mọi nhà, mọi người trong mỗi dịp đình đám, hiếu hỷ, lễ Tết. Mỗi chữ, mỗi câu của các cụ được treo trang trọng trong nhà vừa đẹp mắt vừa là niềm vui khuyến khích con cháu gắng học làm người.

Chính cái mộc mạc, đơn sơ nhưng không kém phần tài hoa, thâm thuý của nghệ thuật viết chữ đã thấm sâu vào tâm tư tình cảm, nếp sồng của nhân dân ta và từ đó tạo dựng nên thú chơi vô cùng tao nhã của người dân vào mỗi dịp xuân về.

Cũng như các bậc văn nhân khác, Lỗ Câm là tên hiệu của lương y Nguyễn Văn Bách. Thủa nhỏ được bố là cụ đồ Nguyễn Văn Nghiễn dạy chữ Hán uốn nắn từng chữ. Vào tuổi lên 10 cụ đã sớm nổi tiếng là người viết chữ đẹp nhất vùng. Say mê với môn nghệ thuật này, những lúc cao hứng cụ đều gửi gắm tâm tư, tình cảm vào cây bút, nét chữ. Qua bàn tay, cây bút như trở thành một nhà biên đạo múa để lại sau đó những dấu ấn không thể phai mờ làm nao nức lòng người không chỉ bằng vũ điệu mà còn bởi những ý nghĩa sâu xa.

Lương y Nguyễn Văn Bách phát biểu: "Chúng tôi được học thư pháp từ năm lên 9, 10. Bố tôi dạy, nhà tôi 3 đời đều biết thư pháp. Từ bé học viết bằng nước lã, viết bằng bút lông to lên trên nền xi măng rồi quét đi, khô rồi lại viết. Một ngày tôi tập khoảng 3 - 4 tiếng. Hồi đó chỉ biết tập cho vui chứ không biết để làm gì, vì đấy là truyền thống gia đình".

Từ sự đối lập của các chữ lớn và nhỏ qua các nét mỏng và dầy, dài và ngắn, thẳng và ngoằn nghèo, gom tụ và rời rạc đã sản sinh ra cái thẩm mỹ của thị giác. Phải chăng cái thẩm mỹ này là cơ sở dể truyền đạt sự vô hạn và có hạn của cái được biết. Phải chăng đó là cái vô hình và hữu hình đã kết tinh lại đem đến cho con người những thú vui khi thưởng thức thú chơi tao nhã này, để từ đó mỗi dịp xuân về, khi lòng người cùng hòa vào nhịp sống của thiên nhiên, đất trời, hoa lá cỏ cây, lòng người như phơi phới một niềm tin thì thú chơi tao nhã này hiển hiện trên nền giấy điệp bao hàm những lời chúc tụng đầu năm mới thêm phúc, thêm xuân.

Tiến sĩ Cung Khắc Lược, Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát biểu: "Mấy nghìn năm nay với nền văn minh Việt, ông cha chúng ta đã để lại thú chơi tao nhã. Cứ mỗi dịp xuân về, với tinh thần xung mãn dồi dào, các cụ chuẩn bị khai bút làm thơ xuân và chơi câu đối. Đến nay cái thú ấy vẫn hiện hành trên đất Thăng Long và các làng quê".

Phải nói rằng thú chơi câu đối là một thể loại văn học rất đặc sắc, từng từ từng ý đối nhau cho thật chuẩn. Với các bậc văn nhân, câu đối trở thành phương tiện thử trí thông minh, tài năng ứng xử. Và đặc biệt mỗi độ xuân về, người ta không quên mua dăm quả cau, lạng chè đi đến xin chữ. Có một giai thoại nói rằng: gần nhà cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có một anh nhà nghèo, một ngày giáp Tết mang cơi trầu xin cụ đôi câu đối. Sau khi hỏi sự tình, cụ liền chấp bút viết ngay những lời nói mộc mạc của anh nhà nghèo nọ thành câu một vế đối vừa nói lên được lòng chân thành của anh ta đồng thời cũng nói lên được thú chơi rất tao nhã này.


"Kiếm một cơi trầu thưa với cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông".


Với các bậc văn nhân, câu đối không chỉ là câu chữ đơn thuần mà nó đã trở thành phương tiện để truyền tải tâm tư, nguyện vọng, sự hoài bão cao cả của lòng mình. Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu là con người như thế. Trong số hàng trăm câu đối của ông đã có những câu được viết lên trang trọng đặt tại vùng đất tổ vua Hùng:


"Nước bốn ngàn năm nhân ái còn tuôn dòng sữa mẹ.
Dân tám chục triệu anh hùng chẳng thẹn tấm lòng trai".


Những câu đối của ông được viết lên bằng cả tấm lòng và được bạn bè rất mực trân trọng mến mộ ông, bạn bè đã gọi ông là triết gia trong cách mạng, nghệ sĩ giữa anh hùng.

Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam phát biểu: "Tôi làm rất nhiều câu đối nhưng không phải là người chuyên về câu đối, vì có truyền thống trong gia đình nên từ khi còn ít tuổi tôi đã được ông và bố truyền cho nên tôi cảm thấy rất yêu thích câu đối, nhất là khi gặp bạn bè vui vẻ tôi làm rất nhiều câu đối và giờ thì có thể có mấy trăm câu đối. Câu đối không chỉ để đối chữ mà còn thể hiện tình cảm của mình".

Trong những ngày đầu xuân bên bờ Hồ gươm ta như trở lại với nhiều hoài niệm của lịch sử hào hùng. Vẫn tháp Rùa của một ngày xuân mờ sương, vẫn tháp Bút sừng sững hiên ngang như nhắc ta trở về với cội nguồn văn hoá. Bên tháp Bút đài nghiên cao vời vợi biểu tượng tôn vinh nền văn hiến của nước nhà ta như trở lại với tư tưởng của Nguyễn Văn Siêu. Với hai chữ Phúc Lộc và dòng chữ Sơn Ngưỡng Chỉ, phải chăng Nguyễn Văn Siêu muốn nhắn nhủ với hậu thế rằng, muốn có phúc có lộc phải nâng cao giá trị học vấn của mình lên giống như ngọn tháp Bút kia như vươn tới trời, viết lên nền trời những giá trị nhân văn cao cả, giáo dục người hãy yêu lấy chữ, chữ nghĩa trong cõi nhân gian tuy không có quyền hành gì nhưng ở đó có cái đức cao đẹp.

Thấu hiểu được ý tưởng của mạch ngầm văn hoá này mà thú chơi chữ ngày xuân như được nâng lên toả bóng ngàn đời.

Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam phát biểu: "Ngày Tết nhà nào cũng có câu đối, ý nghĩa của câu đối tức là phải xác định được lòng mong muốn của mình với gia đình mình sẽ tiến bộ ra sao, giữ trong gia đình con cái hiếu nghĩa, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, con cái học giỏi, ngoan ngoãn và hy vọng trong ngày Tết mọi sự đều mới. Những câu đối trong ngày Tết đầy tinh thần lạc quan, mong muốn gia đình được đổi mới, đất nước mình, con cái mình đều tốt đẹp, nên người ta rất thích treo câu đối. Nó như một cái để cho người khách hiểu được gia chủ mình, như là khẩu hiệu tuyên bố, giáo dục con cái phấn đấu theo tình thần đó. Đồng thời câu đối cũng thể hiện ước mong của gia đình muốn trở thành những người có đạo đức danh tiếng đóng góp cho gia đình, xã hội".

Trên con phố thân quen của người dân Hà Nội vẫn hiện hữu những hình ảnh quen thuộc đã nhiều năm nay, những người trong nhóm Cảo Thơm như Dương Hồng Thanh, Tú Sót, hàng năm kiên trì ngồi viết trên hè phố Bà Triệu mang đến niềm vui cho mỗi gia đình bằng những câu đối đỏ, những con chữ viết trên giấy biểu để treo trong nhà ngày Tết.

Cụ Chu Thành Thi phát biểu: "Mỗi người một ý thích, có người thích chữ tâm, đức, phúc, lộc để mừng tuổi ông bà, mừng sinh nhật, mừng nhà mới. Cái này là truyền thống của dân tộc mình vì thế mà không phải ngồi ở học viện mà là ngồi ở vỉa hè đúng như bài thơ của ông Đình Duyên:


"Mỗi năm hoa đào đỏ lại thấy ông đồ già.
Bầy mực tầu giấy đỏ, bên phố đông người qua".


Cùng với tờ lịch mới in đẹp, kiểu dáng kích cỡ, nhiều người vẫn không quên những con chữ của nhà nghiên cứu Hán Nôm, qua con chữ thể hiện sự mong ước của gia chủ khi sang năm mới, thể hiện sự hoài bão của mình đối với bạn hữu và của người thân vì thế nó đã trở nên gần gũi là một trong những yếu tố làm nên cả mùa xuân.

Ông Nguyễn Văn Hảo phát biểu: "Tôi thích nhất là ngày Tết có hoa đào, mai sau đó đến quất và tranh. Tết của Việt Nam thường có tranh chơi chữ. Hiện nay nhà tôi có chơi một chữ tâm và một chữ nhân. Tuy không phải là người am hiểu lắm nhưng các cụ ngày xưa hay thích treo chữ tâm, và hiện nay cũng có nhiều người họ treo chữ phúc, lộc, thọ là mong ước chung của mọi người đều mong muốn mọi điều tốt đẹp như thế".

Cái tài hoa của nghệ thuật viết chữ rất giản dị đơn sơ, chỉ cần một ngòi bút lông mềm mại bên mực tầu đen nhánh, tờ giấy bản mỏng hay tờ giấy mầu đỏ cánh sen, qua bàn tay kẻ sĩ trong giây lát những ý tưởng hiện lên đẹp như rồng bay, phượng múa. Phải chăng trong khoảnh khắc đó Vũ Đình Nghiên đã thu nhận và ghi lại bằng nhưng ca từ đầy hình ảnh:


"Mỗi năm hoa đào nở lại thấy ông đồ già.
Bên mực tầu giấy đỏ trên phố đông người qua".


Bao nhiêu người tấm tắc, ngợi khen hoa tay tạo những nét như phượng múa, rồng bay. Sự hoà quyện của tấm lòng, của bàn tay đã tạo nên những giá trị nghệ thuật sâu sắc. Không chỉ đẹp về bố cục mà mỗi phần, mỗi câu còn ẩn chứa những giá trị nhân văn sáng ngời: "Lợi danh đô thị mộc. Phú quý bất thắng nhà". Những gì là lợi là danh thì chỉ như cõi mộng hư ảo. Giầu sang phú quý cũng không bằng sự nhàn nhã và cái tâm. Hay khi nói về cái tâm đức của mỗi con người thì ta có câu: "Tài giả mạt dã, đức giả bạc dã". Có nghĩa là cái tài là ngọn, cái đức mới là gốc rễ sâu sa.

Có thể nói rằng, thư pháp hay còn gọi giản dị là nghệ thuật viết chữ đẹp, một loại hình nghệ thuật vốn có truyền thống lâu đời gắn liền với các loại chữ tượng hình như chữ Hán chữ Nôm và các loại chữ khác của nhiều dân tộc trong vùng Đông phương như Nhật Bản, Triều Tiên. Nói đến lịch sử thư pháp, lẽ tự nhiên người ta hay nói đến bậc thầy về thư pháp và các thời kỳ danh giá như chữ Triện thời Trần, chữ Lệ thời Hán và chữ Khải thời Đường và cây đại bút Vương Hy Chi thời Đông Tấn Trung Hoa.

Ông Lại Cao Nguyện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam phát biểu: "Nói đến thư pháp, người ta hay nói đến lịch sử chữ viết của người Trung Hoa, nó trải qua các giai đoạn từ chữ khắc trên chuông, rồi sau đó đến chữ triện, chữ lệ, chữ thảo, chữ trân, chữ hành, rồi sau đó phát triển theo hướng là mỹ hoá và đơn giản hoá đẹp lên. Sau đó mới có lý luận của nó từ thời Tấn, Đường lúc đó mới chính thức gọi thư pháp là một bộ môn nghệ thuật".

Từ bao đời nay cứ mỗi độ xuân về những sinh hoạt lễ hội cổ truyền lại được mở ra từng bừng trong cả nước. Đây là dịp tái hiện lại truyền thống lịch sử, thúc đẩy ý thức tư tưởng tình cảm của nhân dân về quê hương đất nước, về truyền thống hào hùng của dân tộc, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của chữ Nôm, chữ Nho qua các loại hình rất phong phú và đa dạng. Đó là những bi ký, sắc phong, chiếu chỉ và hàng loạt những hoành phi, câu đối trên gỗ đá trong chùa chiền. Đó là những câu nói gửi gắm được tâm tình, ý chí khát vọng và nhân cách của cổ nhân từ ngàn đời.

Người ta thường nói, thư họa đồng niên nghĩa là chữ và tranh có cùng một nguồn gốc. Chữ không chỉ xúc tích cô đọng phong phú về nội dung mà còn đa dạng về hình thức, các nét chữ đậm nhạt cứng mềm, hoành tráng hay lặng lẽ khơi gợi niềm vui hay nỗi buồn. Người ta không chỉ coi thư pháp là phương tiện truyền đạt ý nghĩa mà còn là bức tranh thực thụ, mỗi bức tranh chữ quý đẹp có thể tôn vinh hoặc uốn nắn một đời người. Cái tài hoa, tài tử được gói ghém trong cái thần của chữ. Hình ảnh của ông đồ già ngồi bên phố nơi đông người qua lại để bầy bán câu đối đã đi vào tâm trí người dân Việt Nam.

Một đặc điểm nổi bật của những câu đối Tết thường là viết bằng chất liệu giấy dó thường và mực tầu. Thông qua nét bút tài hoa không chỉ viết tên con chữ mà còn làm toát lên con chữ, ý chí và tâm huyết của người viết. Nhìn những bức thư pháp với nét bút uyển chuyển bay lượn trên nền giấy điệp chúng ta như đứng trước bức tranh thủy mặc. Họa và lời như quyện vào trong từng bối cảnh làm cho bức thư pháp không chỉ đẹp về sắc mầu mà còn toát lên một vẻ đẹp của câu chữ ý nghĩa sáng ngời, làm tôn vinh nền văn hoá chữ viết của nhân loại.

Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam phát biểu: "Chữ viết, câu đối phải có linh hồn chứ không phải là chữ triết cứng. Mỗi một chữ viết tác giả thể hiện tâm hồn trí tuệ, tài năng của mình, bản thân tính cách của mình vào trong chữ viết đó thì nó mới có giá trị. Mỗi chữ người ta thể hiện một khác chữ trầm buồn người ta viết khác mà chữ nói về cảnh đẹp người ta lại viết khác".

Điều đáng trân trọng là trong lòng của Thủ đô Hà Nội văn hiến nét văn hoá tài hoa rất mực thâm thuý ấy được lưu giữ và phát triển. So với các nhà thư pháp lớp trước thì nhà thư pháp Cung Khắc Lược còn khá trẻ nhưng ở ông vẫn có được khí phách của một người yêu chữ, yêu nét đẹp tài hoa. Xúc động trước những vẻ đẹp tinh túy, cái thần, cái quý của nghệ thuật thư pháp đã cuốn hút ông. Không ngại việc lưu truyền và phát huy một loại hình nghệ thuật đã có lúc bị mai một dần, ông quyết tâm bỏ công sức và tiền của ra mở những lớp thư pháp. Học trò đến theo học rất đông, phần nhiều là lớp trẻ, những người tiếp thêm nguồn nhựa sống cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Mỗi dịp xuân về, ai ai cũng mong xin được câu đối hoặc chữ của các cụ đồ nho để treo trong nhà, vừa đẹp mắt vừa là niềm vui đồng thời khuyến khích con cháu gắng học làm người. Bên cạnh các câu đối cổ đã được hình tượng hóa bằng nét chữ làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghi cổ kính của các công trình di tích lịch sử thì ngày nay môn nghệ thuật độc đáo này còn được thể hiện trên rất nhiều chất liệu bằng gỗ, bằng đồng. Qua bàn tay nghệ nhân con chữ như trở nên sống động hơn, nó không thể mất đi vẻ mềm mại của nét bút lông, nhưng lại có thêm sự cứng cáp, rắn rỏi và sắc thắm của cành đào mùa xuân.

Tiến sỹ Cung Khắc Lược, Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát biểu: "Ngoài tia nắng ấm áp của mặt trời mùa xuân, chúng ta còn có màu đỏ, thắm như lòng chúng ta. Và trong những da diết, khi màu đỏ đồng cảm, tạo nên sự ấm áp trong lòng người, do vậy, giấy hồng điều có hai màu đỏ khác nhau, một màu giấy đỏ hồng điều và một màu đỏ cánh sen. Nếu mực Tàu màu huyền như hạt na mà được viết lên giấy đỏ hồng điều hay cánh sen thì tương ánh với những màu hoa đào khiến cho lòng người đẹp như mùa xuân về, rạo rực, dồi dào sinh khí, ước mơ".

Hạnh phúc thường giản dị. Chỉ một nhành cây, một bức tranh, một nét bút tài hoa cũng góp phần làm đẹp cho xã hội, tô điểm cho cuộc sống con người. Sau những tháng ngày với những lo toan vất vả của đời sống thường nhật, sau những phút giây đàm đạo với bạn hữu và người thân, ta cũng cần có những phút giây quý báu, lắng động để chiêm ngưỡng một nét văn hóa cổ kính, thâm nghiêm. Đón xuân về, tìm một vẻ đẹp thâm sâu nơi nguồn cội, chúng ta hy vọng đó cũng là cách góp phần giữ gìn nét riêng của văn hóa Việt Nam, gìn giữ cái phong vị thâm trầm mà tinh tuý của ngàn xưa mà ông cha ta truyền lại.

NÐt ch÷ hån ng­êi

Cho đến nay, không một ai phủ nhận rằng đất nước Trung Hoa là cái nôi của bộ môn nghệ thuật thư pháp, nhưng thư pháp không chỉ là tài sản riêng của nền văn minh Trung Hoa…



Bài thơ Học đánh cờ trong tập Nhật ký trong tù
qua thư pháp của Lỗ Nguyên.

Lịch sử thư pháp nhân loại trùng khớp với lịch sử 3000 năm của thư pháp Trung Quốc. Trong hơn ba thiên niên kỷ ấy, nền văn hóa Trung Hoa đã sản sinh ra những đại danh trong ngành nghệ thuật thư pháp nhân loại.

Đời Đông Hán có Chung Dao, Tào Hỷ. Đời Đông Tấn có Vương Hy Chi và con trai của ông là Vương Hiến Chi. Đời Tây Tấn có Lục Cơ. Đời Tuỳ Đường có Âu Dương Tuân, Chữ Toại Lương, Trương Húc. Đời Trung Đường lại xuất hiện những tài năng thư pháp kiệt xuất như Liễu Công Nguyên, Hoài Tố, Nhan Chân Khanh. Thời Bắc Tống nổi lên Tô Đông Pha, Mễ Phất. Đời nhà Nguyên lại có Triệu Mạnh Phủ. Đời Minh có Kỳ Xương. Đời nhà Thanh gần đây lại có Trịnh Bản Kiều, Lưu Dung.

Ngay cả hoàng đế Khang Hy cũng là một nhà thư pháp tài danh nức tiếng. Sử cho rằng, bức hoành phi đại tự “Vạn thế sư biểu” hiện vẫn treo ở nhà Bái Đường trong Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội là thủ bút của Vua Khang Hy tặng sứ thần nước ta…

Luận về thư pháp Trung Hoa là luận về tâm pháp. Tâm linh, nhân cách, phong thái và sở trường của các nhà thư pháp đã để lại đời sau những tác phẩm trác tuyệt.

Hoàng Đình Kiên thời Bắc Tống giỏi thể hành thư. Dương Tuân đời Đường phiêu diêu bay bổng với thể khải thư. Trịnh Bản Kiều đời Thanh bay bướm trong các lối thể tự triện, lệ, hành, thảo. Trương Húc đời Đường thì lại là một “túy gia” đặc biệt với thể cuồng thư. Lúc đã thật say, Trương Húc mới thảo chữ. Chữ của ông lúc ấy phóng trào ra ngọn bút với cung cách táo bạo, lối thảo thư kỳ lạ ẩn chứa một nguồn cảm hứng ngút ngàn. Ông là một trong “tam tuyệt” của nhà Đường, đứng bên tài múa kiếm của Bùi Mân và thơ tiên Lý Bạch.

Tuy nhiên, nói đến thư pháp Trung Hoa thì tài năng xuất chúng của Vương Hy Chi phải đặt lên hàng đầu trong những người hàng đầu. Thư pháp gia thiên tài xuất chúng này xuất hiện vào giữa đời Đông Tấn nhưng ông đã thu nạp hết tinh hoa của bộ môn này của mọi thời qua những chuyến du sơn ngoạn thủy, lang bạt kỳ hồ.

Với hơn 10.000 tác phẩm, Vương Hy Chi đã thực sự nâng cao tầm vóc của bộ môn thư pháp. Lúc đương thời, ông được giới văn nhân tôn xưng là bậc "thánh thư". Hàng trăm năm sau, người Trung Hoa vẫn mệnh danh ông là vị tổ sư khai sáng bộ môn thư pháp. Tất cả tác phẩm Vương Hy Chi đều ở hàng trác tuyệt, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là bức “Lan Đình Tự” với 28 dòng, 324 chữ thảo bằng bút râu chuột trên giấy kén tằm. Đây là thủ bút bài tựa của Vương Hy Chi viết cho “Lan Đình Thi Tập”, tập thơ xướng hoạ của ông và 40 danh sĩ đương thời. Tác phẩm này được mọi thời tôn là “thiên hạ đệ nhất hành thư”.



Bài thơ Người bạn tù thổi sáo trong tập Nhật ký trong tù
qua thư pháp của Lỗ Nguyên.

Tương truyền, vì quá yêu thư pháp Vương Hy Chi, lúc băng hà, vua Đường Văn Tông của 500 năm sau đã yêu cầu được chôn theo xuống huyệt mộ bức “Lan Đình Tự” chính bản...

Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam cũng là những nước có sử dụng chữ Hán. Chính vì vậy, trong dòng chảy văn hóa phương Đông, từ hàng ngàn năm trước, bộ môn thư pháp đã không còn chỉ là vốn riêng của dân tộc Trung Hoa.

Với Nhật Bản, thư pháp được xem là một phương tiện hành thiền đặc biệt để biểu lộ thiền cơ và tâm pháp.

Thư pháp của người Phù Tang hàm chứa trong đó tinh hoa của thiền đạo kết hợp với nghệ thuật thể hiện. Các thiền sinh Nhật Bản coi thư pháp chính là “thư đạo”, và thư đạo Nhật Bản không còn quá coi trọng “viết đẹp” mà trên những biểu hiện của chữ viết phải gói ghém vào đó một tâm trạng, một biểu tượng cô đọng của nghệ thuật, của cuộc sống. Nó đã vượt ra ngoài giới hạn của bút lông, mực xạ, của động tác thủ bút, vượt ra khỏi ý thức tầm thường của nghệ thuật để chuyển tải nội dung tâm pháp.

Di sản thư pháp thiền Nhật Bản vô cùng đồ sộ, nhưng phải kể đến những tác phẩm tuyệt luân thông qua những “mặc tích” của các đại thiền sư như Muso Soseki (1275-1351), Ikkỳu Sòjun (1394-1482), Hakuin Ekaku (1685-1768) mà đỉnh cao là Kòbò Daishi (774-835) – vị tổ sư khai sáng bộ môn thư pháp – Thiền.

Ở Nhật Bản, hầu hết những người truyền bá môn thư pháp đều nặng lòng với sự nghiệp giải thoát hơn là môn đệ của nghệ thuật thuần túy. Cùng với kiếm đạo và trà đạo, thư pháp xứ Phù Tang được coi là phương tiện để các hành giả đến với Thiền, ngộ Thiền và truyền bá Thiền. Ở trong mỗi tác phẩm sống cùng thời gian, ngập tràn và thấm đẫm năng lực từ cái nhìn giác ngộ. Cũng như Thiền Đạo, mạch sống của thư pháp – Thiền lặng lẽ với thời gian, âm thầm chảy vào đời sống tâm linh của mỗi người dân Nhật Bản. Dần dà, cùng với sự phát triển của kỹ thuật và tư duy con người theo hướng hiện đại, nội dung và hình thức của thư pháp Nhật Bản cũng ngày càng trở nên phong phú.

Thư pháp hiện đại Nhật Bản ra đời cách đây hơn 50 năm. Cuộc triển lãm thư pháp hiện đại Nhật Bản của Hội thư pháp Mainichi tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam vào cuối tháng 11 vừa qua đã gây sửng sốt đối với những người yêu bộ môn nghệ thuật này ở Việt Nam. Với 122 tác phẩm thể hiện bảy bộ môn : chữ Hán, chữ Kana (chữ nhỏ, được tạo ra từ bài hát Waka và thơ Haiku), chữ lớn (đại tự thư), văn thơ hiện đại, chữ in bằng khuôn khắc đá (triện thư), chữ khắc (khắc tự), và tiền vệ thư đã cung cấp cho giới thưởng lãm một cái nhìn khá đầy đủ về thư pháp hiện đại Nhật Bản và tình yêu nghệ thuật thư pháp của đất nước này.

Thư pháp Việt Nam có tự bao giờ? Giới chuyên môn vẫn chưa xác định cụ thể.

Tuy nhiên, với một di sản thư pháp bằng chữ Hán đồ sộ do người Việt Nam thủ bút, từ nhiều đời truyền lại có thể được coi là một bằng chứng sinh động của thư pháp chữ Hán trên đất Việt. Đó là những bút tích qua bi ký, lệnh chỉ, sắc phong, hoành phi, câu đối của vua chúa và các bậc danh sĩ lưu đề. Qua bao biến thiên lịch sử, sương khói thời gian, những bức thư pháp xưa vẫn thể hiện rõ nét tâm tình, chí khí của người muôn năm cũ.



Bài thơ Buổi sớm trong tập Nhật ký trong tù
qua thư pháp của Lỗ Nguyên.

Không có nhiều bậc kỳ tài như Trung Hoa hay Nhật Bản, nhưng chúng ta vẫn có những nhà thư pháp lưu danh sử sách. Xin được kể tên Phạm Sư Mạnh đời Trần hay đời sau có vua Lê Thánh Tông, Lê Cảnh Hưng. Cao Bá Quát hay Bùi Dị cũng là những bậc danh sĩ thảo thư điêu luyện. Trong những di thư mà họ để lại, ẩn chứa tâm linh, khí tượng của bậc quân tử trên từng đường nét.

Thư pháp đương đại, thư pháp chữ Việt cũng ngày càng phát triển và trở thành thú chơi tao nhã của nhiều người Việt Nam. Nếu cụ Lê Xuân Hòa vẫn trung thành với lối thảo thư Hán tự ở đất Bắc thì miền Nam ngoài Nam Giang, Vũ Hối tiên phong trong việc viết thư pháp chữ Việt nay có thêm những Trụ Vũ, Song Nguyên, Chính Văn, Bùi Hiến, Thiên Chương…

* * *

Thư pháp là tâm pháp – dù thuộc trường phái nào, đó là cách nói khái quát nhất về bộ môn này. Nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật viết chữ, hay nói khác đi là nghệ thuật thể hiện chữ viết. Nhưng cách viết chữ cũng tuỳ thuộc vào sự khéo tay, sự điêu luyện và nhân cách, cảm xúc của từng người. Khả năng kỹ thuật và trạng thái nội tâm sâu cạn trong chừng mực nào đó, sẽ tạo nên những đường nét khác nhau.

Trong giới hạn này, thư pháp có nghĩa là “cách thể hiện chữ viết tuỳ theo cảm xúc”. Đi sâu hơn, người Nhật Bản coi chữ “thư” (sho) có nghĩa là phóng bút. Đối với những nhà thư pháp của xứ Phù Tang, họ gọi “thư pháp” chính là “thư đạo”, là nền tảng căn bản của thư pháp Thiền (Hitsuzendo). Đây là cách phóng bút, nhưng là phóng bút trong trạng thái xuất thần.

Nói tóm lại, thư pháp chính là cách thể hiện chữ viết bởi công năng phóng bút. Công năng phóng bút và cách viết chữ bằng kỷ thuật có gì khác nhau?

Người Trung Hoa xưa cho rằng, ngay trên điểm đỉnh của nguồn cảm hứng tuôn trào ra đầu ngọn bút, ngòi bút từ đó theo khí lực vận hành, thời khắc đó gọi là phóng bút. Tinh thần người thủ bút tập trung cao độ và phát ra khí lực, đó chính là công năng.

Cũng cần phải nói thêm, thời điểm cảm hứng cao tột đỉnh của người thủ bút diễn ra rất nhanh và ít khi kéo dài, nên những bức thư pháp tựu thành trong giây phút xuất thần thường rất ngắn gọn, là kết quả từ một nét bút liên hoàn. Chính vì vậy, với những tác phẩm này, nó hàm chứa một sức sống mãnh liệt và một cấu thành hoàn chỉnh về thẩm mỹ. Đây có thể được coi là thước đo định giá trị cho nghệ thuật thư pháp đích thực và những người chỉ thiên về kỹ thuật viết chữ đẹp…

Có thể coi thư pháp là một nghệ thuật dùng chữ và là nghệ thuật biểu hiện chữ mang tính mỹ học. Con chữ bình thường trong mắt mọi người nhưng qua tay các nhà thư pháp đích thực nó đã trở nên có hồn, toát lên một sự sống thần kỳ vượt ra ngoài giới hạn của vỏ ngôn ngữ.

Thư pháp là nơi những hình tượng, những cảm giác dựa trên quan điểm thẩm mỹ của các nhà thư pháp được biểu hiện ra một cách đa dạng. Trong đó, tính nhân văn được hiện lên thuần túy nguyên vẹn và đòi hỏi người thủ bút và khách thưởng lãm một cái nhìn trí tuệ và nhân ái. Điểm cốt tuỷ của thư pháp là chữ viết, cấu thành đường nét và tính hồi nhất.

Chữ viết, cấu trúc đường nét chữ là yếu tố căn bản để xem thư pháp là loại hình nghệ thuật. Những đường nét khác nhau như lớn – mảnh, mạnh – yếu, nặng – nhẹ, thong thả – cấp tốc,…được viết lên, ẩn dấu cái rung động trong tâm hồn người viết. Khi nhả chữ, người ta viết theo một trình tự trôi chảy từ đầu đến cuối và một lần – điều đó được gọi là tính nhất hồi. Tính chất này đòi hỏi người viết phải tập trung cao độ và chuyển rung động sang thời gian, không gian…

Đào Nguyên Phổ xưa có một câu bình chữ thật hay: “Mực muốn múa mà bút muốn bay. Chữ hay phô mà câu hay nói”. Ứng trong lối chơi thư pháp, câu nói đó như lột tả hồn chữ.

Xưa cũng như nay, thư pháp được coi là trường phái “vẽ tâm hồn”. Với những tác phẩm thành công, nhân cách của người thủ bút hiện lên trên mỗi đường nét.

Thư pháp là thú chơi tao nhã của người sành chữ, vượt lên trên đó, nó là một nghệ thuật và vượt trên nữa chính là tâm pháp. Lẽ đó, không phải ai cũng có thể là môn đồ đích thực của lối biểu hiện thẩm mỹ cao đạo này.
Về Đầu Trang Go down
https://qlxh165.forumvi.net
 
NÉT ĐẸP CỦA THƯ PHÁP
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NGỮ PHÁP HÁN NGỮ CƠ BẢN
» NGUỒN GỐC CỦA THƯ PHÁP

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
LỚP THẠC SĨ QUẢN LÝ XÃ HỘI ĐỀ ÁN 165 :: Chia sẻ thông tin-
Chuyển đến